(Xây dựng) – Thành lập từ năm 1969, Viện Vật liệu Xây dựng (VIBM) không ngừng đổi mới, hội nhập và phát triển, đa dạng hóa các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, nghiên cứu chính sách, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như các hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển ngành VLXD Việt Nam. VIBM ngày càng khẳng định vị thế dẫn đầu trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển VLXD.

Viện Vật liệu xây dựng: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế
Ban Kỹ thuật vật liệu và cơ khí xây dựng đã tổ chức thành công Hội nghị thường niên về lĩnh vực Tiêu chuẩn vật liệu và cơ khí xây dựng.

Năm 2022, trong bối cảnh cả nước đang trên đà phục hồi sau đại dịch Covid – 19, VIBM đã triển khai nhiều nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn để hỗ trợ, phục vụ Bộ Xây dựng trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực VLXD, thể hiện rõ vai trò là đơn vị nghiên cứu khoa học đầu ngành: Tham gia nghiên cứu xây dựng Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung QCVN 16:2019/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa VLXD; Tiếp tục phát huy vai trò Trưởng ban kỹ thuật tiêu chuẩn, quy chuẩn về vật liệu và cơ khí xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao; tổ chức họp Ban kỹ thuật thường xuyên và tích cực tham gia nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực VLXD và cơ khí xây dựng; Nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về xi măng, vật liệu xây, kính xây dựng, tro bay, xác định phát thải khí nhà kính; Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, quy trình, thử nghiệm dán nhãn năng lượng cho một số sản phẩm, VLXD; Nghiên cứu, xây dựng và số hóa cơ sở dữ liệu lĩnh vực VLXD; Điều tra, khảo sát, xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Bộ Xây dựng năm 2022; Xây dựng bộ dữ liệu, hướng dẫn đánh giá vòng đời (LCA) cho một số sản phẩm VLXD ở Việt Nam…

VIBM luôn cập nhật các quy định quản lý nhà nước mới, sẵn sàng phối hợp thực hiện công tác thí nghiệm, kiểm định, chứng nhận chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy các chủng loại VLXD để phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và sản xuất của các DN. Trong tiến trình phát triển, VIBM đã không ngừng phát triển quy mô, mở rộng các lĩnh vực hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ, cũng như năng lực thích ứng thị trường, hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ viên chức và người lao động, đóng góp quan trọng vào khả năng tự chủ về tài chính. VIBM đã được Bộ TN&MT cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường số hiệu VIMCERTS 315, số 36/GCN-BTNMT cấp ngày 19/10/ 2022 và được Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế cấp Chứng nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động theo Giấy phép số 499/MT-LĐ ngày 16/9/2022. Trong năm 2022, VIBM đã ban hành Quyết định về thủ tục chứng nhận, tiêu chí Nhãn xi măng xanh và Nhãn năng lượng cho sản phẩm VLXD, nhằm giúp các DN có điều kiện khẳng định tính chất xanh, tiết kiệm năng lượng của sản phẩm và thể hiện trách nhiệm với môi trường, xã hội. VIBM đã triển khai đào tạo thí nghiệm viên, thu hút gần 200 học viên trên toàn quốc tham gia. VIBM đã tiếp đón hơn 20 đoàn đối tác nước ngoài đến thăm và làm việc tại Viện, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế như hội nghị về “Ứng dụng vật liệu tái chế” giữa Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) và Viện nghiên cứu ứng dụng xây dựng Weimar (IAB) CHLB Đức; Hội nghị khoa học thường niên về VLXD ASCMC 2022; Hội thảo về VLXD tại Tuần lễ công trình xanh; Đồng tổ chức với Đại học quốc gia Seoul Hàn Quốc Hội nghị quốc tế lần thứ 5 về xây dựng và kiến trúc và Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về đào tạo và đổi mới kỹ thuật tại Hà Nội, thu hút khoảng 100 bài viết đến từ hơn 20 quốc gia.

Viện Vật liệu xây dựng: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế
Từ ngày 16 -18/12/2022, Đại học Quốc gia Seoul (SNU), Hàn Quốc và VIBM đồng tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 5 về Xây dựng và Kiến trúc và Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về đào tạo và đổi mới kỹ thuật tại Hà Nội.

Trong năm 2022, Tạp chí Vật liệu và Xây dựng – (ISSN 1859-381X) và Journal of Materials and Construction (ISSN 2734 – 9438) của VIBM đã được Hội đồng giáo sư Nhà nước nâng mức điểm lên 0,75 trong danh mục Tạp chí khoa học chuyên ngành Xây dựng – Kiến trúc. Đây là sự ghi nhận của Hội đồng Giáo sư Nhà nước đối với nỗ lực phát triển của VIBM nói chung, của Ban Biên tập Tạp chí Vật liệu và Xây dựng – Journal of Materials and Construction nói riêng về tính chuyên nghiệp, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, cũng như tiêu chí đánh giá của các cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín.

PGS.TS Lê Trung Thành – Viện trưởng VIBM cho biết, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, VIBM sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình tự chủ tài chính của một đơn vị sự nghiệp khoa học công lập thuộc Bộ Xây dựng để thích ứng nhanh với nhiều nhiệm vụ phát triển VLXD ngày càng phức tạp hơn, đáp ứng phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, cân đối lợi ích về kinh tế – xã hội – môi trường. VIBM sẽ tăng cường đào tạo cán bộ sau đại học, đào tạo chuyên gia; thu hút nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học công nghệ có chất lượng cao; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, chủ động hợp tác quốc tế sâu rộng để học hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành, dịch vụ tư vấn đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm VLXD mới; tăng cường công tác đầu tư phát triển đặc biệt là hệ thống phòng thí nghiệm với các thiết bị nghiên cứu đồng bộ, hiện đại.

Viện Vật liệu xây dựng: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế
Mẫu Nhãn xi măng xanh (Green Cement Label), mã hiệu NXVLXD 01:2022 và Mẫu Nhãn năng lượng cho sản phẩm VLXD (Energy Label for Contruction Materials), mã hiệu NNLVLXD 01:2022.

Nguồn baoxaydung.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *