(Xây dựng) – Trong vài năm trở lại đây, việc sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng nhằm thay thế các loại vật liệu truyền thống gây ô nhiễm môi trường đang dần trở thành xu hướng phát triển bền vững. Trong đó, kính tiết kiệm năng lượng là sản phẩm được các chủ đầu tư ưu tiên lựa chọn với nhiều ưu điểm nổi trội. Không chỉ cung cấp ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng, sử dụng kính tiết kiệm năng lượng còn giúp cắt giảm chi phí năng lượng, cũng như tăng năng suất, hiệu quả làm việc, bảo vệ sức khỏe của người sử dụng.

kinh tiet kiem nang luong giam den 50 chi phi nang luong cho he thong dieu hoa khong khi
Sử dụng kính tiết kiệm năng lượng có thể giúp tiết kiệm được đến 50% chi phí năng lượng cho hệ thống điều hòa không khí của các toà nhà xây dựng (Ảnh minh họa).

Xu hướng xây dựng xanh

Thống kê cho thấy, trong tổng tiêu thụ năng lượng tại một đô thị của Việt Nam, thì các công trình tòa nhà cao tầng như các khách sạn, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, khu công nghiệp… chiếm tỷ trọng 35 – 40%. Trong khi đó, số lượng các dự án này đang được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều, kéo theo nhu cầu tiêu thụ nguồn năng lượng ngày càng lớn.

Tuy nhiên, trên thực tế, có khoảng 80 – 90% các công trình xây dựng tại Việt Nam không tích hợp tính hiệu quả sử dụng năng lượng vào các khâu thiết kế cơ bản và vận hành công trình.

Theo các chuyên gia trong ngành Xây dựng, nếu một tòa nhà áp dụng đồng bộ các giải pháp kiến trúc, thiết kế kiến trúc, phần quản trị năng lượng, phần vật liệu xây dựng theo hướng hiệu quả năng lượng (vật liệu xây dựng cách nhiệt) có thể giảm 20 – 40% điện năng tiêu thụ so với trước đây.

Về thiết bị, các tòa nhà có thể áp dụng hệ thống quản lý thông minh tòa nhà (BMS) tiết kiệm 12% lượng điện tiêu thụ; Máy bơm nước cao tiết kiệm hơn 5% điện năng so với máy bơm tiêu chuẩn thông thường; Bộ biến tần điều khiển hiệu suất bơm và vận hành hệ thống thông gió tiết kiệm 20 – 30% điện năng;…

Đặc biệt về công nghệ, các tòa nhà có thể lắp cửa sổ tòa nhà bằng kính năng lượng thấp (Low – eglass) để giảm truyền nhiệt từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong tòa nhà, hoặc kính khống chế ánh nắng phản xạ hầu hết bức xạ mặt trời. Loại kính này sử dụng phim cách ly (insulation film) khống chế cho ánh nắng đi qua nhưng phản xạ lại các tia cực tím (UV), ánh sáng chói và hơi nóng, giúp tiết kiệm được 5% năng lượng.

Việc sử dụng vật liệu kính có tính năng tiết kiệm năng lượng là một trong những giải pháp có vai trò rất quan trọng và việc cải thiện công năng của kính theo hướng tiết kiệm năng lượng đã được ngành Xây dựng thế giới tập trung nghiên cứu và phát triển.

Điều này không chỉ góp phần giảm chi phí sản xuất mà còn xây dựng hình ảnh, dần tiếp cận những chuẩn mực của thế giới, xác nhận sự thay đổi rõ ràng về nhận thức tiết kiệm năng lượng của cộng đồng.

Sản phẩm nội dần thay thế hàng nhập khẩu

Hiện trên thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng, trong đó Viglacera là một trong những doanh nghiệp tiên phong, chủ động trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, phát triển vật liệu công nghệ xanh, sản xuất và cung cấp ra thị trường 2 dòng sản phẩm chính là kính Low – E và Solar Control.

Đại diện Công ty Kính nổi Viglacera cho biết: Việc giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp các công trình giảm điện năng tiêu thụ mà còn tăng chất lượng sống, tiệm cận dần những tiêu chuẩn thiết kế của thế giới. Đó là lý do vì sao Viglacera phải đẩy mạnh công tác phát triển kính tiết kiệm năng lượng để bảo vệ sức khỏe của người sử dụng.

Kính tiết kiệm năng lượng Viglacera có cấu trúc điển hình gồm từ 5 đến 8 lớp phủ. Theo đó, phôi kính trắng sau khi được nạp đầu vào sẽ qua máy rửa phôi bằng nước khử khoáng trước khi tiến hành phủ các lớp oxit kim loại, kim loại, lớp phủ nền bạc, lớp phủ bảo vệ, chống ăn mòn… trong buồng chân không.

Hệ thống nước để rửa phôi kính trước khi đưa vào phủ là hệ thống nước khử khoáng DI Water công nghệ lọc thẩm thấu RO qua 2 cấp RO1 và RO2 để đảm bảo độ dẫn điện của nước thấp hơn 1 microsiemens. Do đó, bề mặt tấm kính phôi sau khi rửa rất sạch giúp đảm bảo các lớp phủ bám dính tốt nhất trên tấm kính. Do vậy, dòng sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng Solar Control được phủ 5 lớp hợp kim và kim loại để tạo ra tính chất kỹ thuật đặc trưng như tính phản xạ ánh sáng, độ chuyển sáng, độ hữu quang…

Còn với dòng kính Low-E phủ 8 lớp, trong đó lớp chính giữa là lớp bạc. Lớp bạc này làm cho kính Low-E có khả năng hạn chế quá trình chuyền nhiệt từ môi trường bên ngoài vào bên trong phòng rất thấp và ngược lại.

“Sau khi hoàn thiện, kính tiết kiệm năng lượng được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt bằng hệ thống thiết bị tân tiến và bằng mắt thường. Những khuyết tật như rạn nứt, vỡ… đều được loại bỏ, chỉ những tấm kính đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu mới được thông qua quy trình tiếp theo”, ông Dương Phi Long – Trưởng bộ phận kỹ thuật Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng Vigracera cho biết.

Hiện nay, kính tiết kiệm năng lượng Vigracera đã được ứng dụng trong hàng loạt công trình ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng như Khu đô thị Eco Green Sài Gòn tại quận 7, Bệnh viện Quân y 175 tại Gò Vấp Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), Đại học Việt Đức tại Bình Dương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương… Trong đó, tòa nhà Thăng Long Number 1 của Tổng Công ty Viglacera – CTCP đã sử dụng sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng và đã được Bộ Xây dựng công nhận tòa nhà “Kiến trúc xanh”.

Đánh giá về sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng Viglacera, các chuyên gia trong ngành Vật liệu xây dựng nhận định: Sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng Viglacera đang dần thay thế hàng nhập khẩu. Sản phẩm này đã giải quyết được bài toán tiết kiệm năng lượng phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam và giúp tiết kiệm được đến 50% chi phí năng lượng cho hệ thống điều hòa không khí của các toà nhà xây dựng.

Việc sử dụng kính tiết kiệm năng lượng đang là một xu hướng xây dựng mới cho các công trình. Tuy nhiên, khi áp dụng các giải pháp hiệu quả năng lượng thường là bài toán chi phí đầu tư ban đầu. Những chi phí này thường rất cao và khiến người ta phải e ngại.

Do vậy, cần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương phát triển vật liệu xanh, công trình xanh như tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về vật liệu xây dựng; đổi mới, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm vật liệu xây dựng; tăng thuế môi trường đối với những vật liệu gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất…

Nguồn baoxaydung.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *